6
Sáu tuổi, tôi hầu như không có vấn đề gì ngoại trừ việc khá nội tâm.
Sau khi liên hệ với các trường học xung quanh, mẹ đã đưa ra một quyết định táo bạo.
Mẹ giấu bệnh tình của tôi và đưa tôi vào trường tiểu học.
Ngày đầu tiên tựu trường, mẹ đưa tôi vào trường, rồi đứng rất lâu trước cổng lớn.
Mẹ đầy lo lắng, nhưng lại buộc phải buông tay.
Vì mẹ biết, mẹ không thể chăm sóc tôi cả đời.
Nhưng mẹ không biết.
Thật ra, tôi khi sáu tuổi đã hiểu rất nhiều điều.
Các cô y tá ở phòng bệnh nói với tôi, mẹ tốt với con như vậy, con không thể cứ gây rắc rối cho mẹ mãi được.
Dì Triệu dạy tôi, khi nói chuyện phải nhìn vào mắt người khác, khi chơi đùa không được dùng sức đẩy người khác.
Tôi biết, tôi khác với những người khác.
Những đứa trẻ khác có thể vừa trò chuyện vừa chơi đồ chơi, còn tôi thì không.
Đồ chơi và nói chuyện, đối với tôi là hai việc hoàn toàn khác nhau, hoàn toàn không thể làm cùng lúc.
Điều này khiến bạn bè và giáo viên đều cảm thấy tôi không thích giao thiệp, rất lạnh lùng.
Và tôi còn có một cảm giác trật tự cực kỳ mạnh mẽ.
Đồ chơi, văn phòng phẩm của tôi, tuyệt đối không thể bị xê dịch lung tung.
Những vòng tròn, hình vẽ nguệch ngoạc trên vở bài tập, hay những nét vẽ tùy tiện trên giấy nháp, đối với tôi, đều là những điều không thể chấp nhận được.
Nhưng tôi vẫn luôn nhẫn nhịn.
Vì mẹ muốn tôi "bình thường".
Tôi không muốn làm mẹ thất vọng.
Tôi rất giỏi chịu đựng.
Tôi nghĩ, ngay cả việc phục hồi chức năng đau đớn như vậy tôi còn chịu đựng được, thì mấy trò đùa ác ý và việc bị bắt nạt ở trường có là gì đâu.
Lúc đó, tôi còn chưa biết thế nào là "bắt nạt học đường".
Ác ý của người lớn còn phải cân nhắc lợi hại, ẩn ý và khéo léo, còn ác ý của trẻ con thì công khai, không biết nặng nhẹ.
Vì tôi không thích nói chuyện, không thích nô đùa với bạn bè, và cực kỳ ghét người khác tùy tiện làm lộn xộn đồ đạc của mình.
Rất nhanh sau đó tôi trở thành đối tượng bị bắt nạt.
Vì tôi họ Quý, mấy cậu nam sinh đã đặt biệt danh cho tôi là "Quy Quy".
Chúng sẽ đột nhiên la lớn "Quy Quy" ở cầu thang, hành lang, hễ tôi quay đầu lại là chúng lại cười ồ lên.
Tôi không quay đầu, chúng sẽ lại lớn tiếng chế giễu phía sau lưng tôi: "Quy Quy không thèm để ý người ta rồi kìa."
Tôi nắm chặt nắm đấm, cố gắng tránh xa bọn chúng.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại otruyen.vn - https://www.otruyen.vn/nguoi-me-vi-dai/chuong-3.html.]
Thế nhưng điều đó lại càng khiến bọn chúng làm tới.
Hôm đó tôi trực nhật, các thành viên trong nhóm dọn dẹp tan học đều bỏ về hết.
Đợi tôi tự mình thu dọn xong xuôi mọi thứ, vừa quay người lại, mới phát hiện cửa ban công không biết từ lúc nào đã bị khóa.
Thấy màn đêm dần buông, tiếng chuông tan học kết thúc, cả tòa nhà đều trở nên yên tĩnh.
Tôi nhìn ra từ ban công, dường như cả trường, chỉ còn lại một mình tôi.
Trong lòng tôi có chút bực bội.
Mẹ vẫn còn đang đợi tôi ở cổng trường.
Không tìm thấy tôi, mẹ sẽ lo lắng đến mức nào đây?
Ánh mắt tôi chuyển sang đường ống thoát nước bên cạnh.
Khi mẹ cùng người bảo vệ tìm thấy tôi, tôi vừa trượt từ ống thoát nước xuống đất.
Mẹ vội vàng ôm chầm lấy tôi, hoàn toàn không để ý đến vết bẩn trên người tôi.
Người bảo vệ cũng thở phào nhẹ nhõm, mở miệng liền giáo huấn: "Trượt ống thoát nước làm gì, có biết mẹ cô lo lắng đến mức nào không hả?"
Tôi ngẩng mắt lên, nhìn thẳng vào ông ta.
Người bảo vệ chột dạ quay đầu đi, im bặt.
Vì sao tôi lại trèo ống thoát nước xuống lầu, những người có mặt ở đó đều hiểu rõ trong lòng.
Cố ý che đậy, vội vàng đổ lỗi, cũng không thể thay đổi bản chất của sự việc.
Đây chính là sự bắt nạt trần trụi.
Ngày hôm đó trên đường về nhà, mẹ nắm c.h.ặ.t t.a.y tôi, không hỏi một lời nào.
Chỉ là đêm khuya, một mình ngồi xổm trong nhà vệ sinh, vừa giặt đồ vừa rơi nước mắt.
Tôi trốn sau cánh cửa nhà vệ sinh, trái tim như bị ai đó đ.â.m một nhát, rồi rắc thêm muối.
Lần đầu tiên, tôi nảy sinh lòng căm hận.
Tôi hận những đứa bạn cùng lớp lấy trò đùa ác ý làm vui, càng hận...
Bản thân vô năng vô lực.
Ngày hôm sau, tôi vừa mở cửa lớp.
Bên trong vọng ra một tràng cười ha hả.
"Nghe nói mày trèo ống thoát nước xuống à?"
"Mày là con khỉ chưa tiến hóa xong à?"
Một cậu nam sinh toe toét miệng, cười tủm tỉm vây lại, muốn vén váy tôi, xem bên trong có "đuôi" không.
Khoảnh khắc đó, tôi thậm chí còn rất bình tĩnh.
Trong đầu tôi lóe lên động tác mà chú bác sĩ khoa xương khớp đã dạy tôi.
Ngay lập tức, tiếng kêu thảm thiết vang vọng khắp lớp.
"Đau! Đau! Đau!!!"